Xuất bản thông tin
Quy định một số điều của Luật Lưu trữ
Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011. Sau hơn một năm Luật Lưu trữ được ban hành và hơn 6 tháng từ khi Luật có hiệu lực (từ ngày 01/7/2012), ngày 03 tháng 01 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ. Theo đó, một số nội dung liên quan đến công tác lưu trữ như: Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; thời hạn nộp lưu tài liệu lưu trữ của ngành công an, quốc phòng, ngoại giao và của ngành khác vào Lưu trữ lịch sử; một số trường hợp đặc biệt khi sử dụng tài liệu lưu trữ liên quan đến cá nhân và thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ… được quy định cụ thể.
Nghị định quy định tài liệu điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức phải được lập hồ sơ, lựa chọn và bảo quản theo nghiệp vụ lưu trữ và kỹ thuật công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý tài liệu điện tử. Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử gồm các nội dung như: xác định giá trị tài liệu, thu thập, bảo quản, tra cứu, sử dụng tài liệu, tiêu hủy…. Tài liệu điện tử có giá trị như bản gốc khi đáp ứng các yêu cầu (bảo đảm độ tin cậy, tính toàn vẹn và xác thực của thông tin chứa trong tài liệu điện tử dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh; Thông tin chứa trong tài liệu lưu trữ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh). Tài liệu lưu trữ điện tử hình thành từ việc số hóa tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác phải đáp ứng các tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và không được hủy tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn sau khi tài liệu đó được số hóa. Trường hợp tài liệu lưu trữ điện tử và tài liệu lưu trữ giấy có nội dung trùng nhau thì thu thập cả hai loại. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm sử dụng chữ ký số đối với tài liệu số hóa; Khuyến khích việc thực hiện dịch vụ sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử trực tuyến…
Thời hạn nộp lưu tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn của ngành công an, quốc phòng, ngoại giao và của ngành khác vào lưu trữ lịch sử là trong thời hạn 30 năm, kể từ năm công việc kết thúc, trừ tài liệu lưu trữ chưa được giải mật hoặc tài liệu lưu trữ cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ hàng ngày.
Đối với nội dung cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ, Chính phủ đã quy định: Một trong những điều kiện cần thiết để cấp chứng chỉ là có thời gian làm việc từ 05 năm trở lên trong lĩnh vực lưu trữ; phải qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ, có bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng về văn thư, lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền cấp… Chứng chỉ hành nghề lưu trữ có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp và có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Dựa trên các dịch vụ của công tác lưu trữ, chứng chỉ hành nghề được cấp đối với 04 lĩnh vực. Giám đốc Sở Nội vụ có thẩm quyền cấp, thu hồi chứng chỉ.
Nghị định số 01/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013.
Thủy Tiên, Phòng Nội vụ