Xuất bản thông tin
Phát triển du lịch Hải Vân Quan
Trên đường thiên lý Bắc Nam đèo Hải Vân nổi tiếng là một thắng cảnh. Ở đây có rừng xanh, biển biếc, có đường đèo quanh co, lại có di tích lịch sử gợi trí tò mò của du khách. Đối với khách du lịch trong và ngoài nước, khu vực đỉnh đèo Hải Vân được xem là điểm dừng chân ngắm cảnh hấp dẫn trong các chương trình du lịch từ Bắc vào Nam và ngược lại, là cửa ngõ của 02 tỉnh thành trong tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung". Có thể nói Hải Vân là điểm du lịch hấp dẫn, là một điểm du lịch không thể thiếu được trong các tour du lịch của các đơn vị lữ hành xuyên Việt trên cả nước. Lượng khách du lịch tham quan đèo Hải Vân hàng năm rất lớn, chủ yếu là khách quốc tế, mỗi ngày có thể lên tới hàng ngàn khách, thông qua các loại hình du lịch đường biển, đường hàng không và đường bộ, khách du lịch tới đây tham quan, chụp ảnh, mua đồ lưu niệm…
Nhưng thực tế những năm qua, cơ sở vật chất tại điểm du lịch này hết sức nghèo nàn, xuống cấp, môi trường ô nhiễm, cảnh quan bị cỏ che khuất, lối đi lại gạch đá ngổn ngang, gập ghềnh dễ gây tai nạn, bên cạnh đó dịch vụ không phát triển (dịch vụ phục vụ khách ở đây chỉ có một số quán của người dân địa phương dựng tạm bợ, bán nước giải khát và một số mặt hàng đá mỹ nghệ), tình trạng đeo bám, chèo kéo khách, bán hàng nâng giá… đôi lúc vẫn diễn ra. Vì vậy, thời gian lưu lại của khách du lịch không lâu, chỉ trong khoảng 10 phút. Nhìn chung, hiện tại toàn cảnh khu vực này không xứng tầm với một điểm du lịch độc đáo, riêng có của hai địa phương.
Do đặc điểm của đỉnh đèo Hải Vân là điểm giáp ranh giữa hai địa phương cho nên thời gian qua việc quy hoạch cũng như định hướng phát triển thành điểm du lịch gặp khó khăn chung.
Tại đỉnh đèo chỉ có người dân của phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu lên mở các quán kinh doanh phục vụ khách ở 02 địa phận (hiện tại có 15 kiot, phía Đà Nẵng 12, phía Thừa Thiên Huế 3); các hàng quán lèo tèo, lụp xụp, hàng bán chủ yếu là mặt hàng đá và giải khát, kiot thấp, nhân viên các kiot kinh doanh theo kiểu nhỏ lẻ nên việc ứng xử, giao tiếp với khách còn hạn chế, trang phục tự do...
Bãi đậu xe hoàn toàn không có, các quán bố trí đậu xe tại các khu vực trước quán, vào thời gian cao điểm nhất là mùa khách du lịch quốc tế tình trạng xe đậu lộn xộn, không có vạch cho người đi bộ, do đó không đảm bảo an toàn giao thông cho du khách.
Ở đây có 01 trạm bảo vệ rừng với diện tích khoảng 6m2, được sử dụng làm nơi trực của cán bộ làm nhiệm vụ chống đeo bám, chèo kéo khách đã xuống cấp (không có cửa, không có phương tiện làm việc), nhìn rất phản cảm. Toàn khu vực không có nhà vệ sinh, phía địa phận Thừa Thiên Huế có 01 nhà vệ sinh nhưng vì không có nước, lâu ngày không sử dụng nên đã xuống cấp, mất vệ sinh. Khách du lịch thường sử dụng nhà vệ sinh tại các quán, những nhà vệ sinh này tuy sạch nhưng không đủ tiêu chuẩn phục vụ khách.
Môi trường du lịch không đảm bảo, tình trạng vứt rác bừa bãi thường xuyên xảy ra. Toàn khu vực không có nước (sử dụng nước tự nhiên) và không có điện nên buổi tối khu vực này rất nguy hiểm cho du khách.
Để bảo tồn di tích đang dần xuống cấp, cần thiết phải nâng cấp cơ sở vật chất và có quy chế bảo tồn di tích lịch sử này, sự quản lý chặt chẽ sẽ tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách của quận, giải quyết việc làm cho người dân địa phương và sẽ chấm dứt tình trang đeo bám, chèo kéo khách du lịch.
Do đặc thù của di tích nên việc quản lý gặp nhiều bất cập. Tuy nhiên thời gian qua UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện một số công việc cấp bách cũng như đề xuất UBND thành phố một số giải pháp để sớm đưa Hải Vân Quan vào khai thác có hiệu quả.
Đó là triển khai giải pháp "nóng" để khai thác dịch vụ và giải quyết tình trạng đeo bám, chèo kéo, nâng, ép giá tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân như tăng cường lực lượng dân quân cùng với lực lượng Biên phòng thường trực 24/24, tiến hành làm thẻ đeo và quy định mỗi kiot chỉ có 3 người phục vụ, trang bị đồng phục mũ cho các nhân viên bán hàng, kẻ vạch bãi đậu xe, thực hiện việc niêm yết giá bán, yêu cầu những hộ kinh doanh làm cam kết về văn minh thương mại, an ninh trật tự. Ngoài ra, tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ văn minh thương mại, nụ cười thân thiện cho nhân viên bán hàng tại các kiot, vận động các chủ kiot tự may đồng phục nhằm tạo nên nét đẹp riêng cho điểm du lịch này, tạo sự an tâm cho mỗi du khách khi dừng chân nơi đây.
Đồng thời đề xuất UBND thành phố một số giải pháp để sớm đưa Hải Vân Quan vào khai thác có hiệu quả. Trước mắt, đề xuất thành phố công nhận Điểm du lịch và giao về cho quận Liên Chiểu quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch, chịu trách nhiệm về tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Đề xuất thành phố tiến hành xây dựng trạm hạ thế điện và bắt điện chiếu sáng từ khúc khủy tay đến đỉnh đèo dài 2km (về lâu dài tiếp tục đầu tư từ khúc khủy tay xuống đến tận chân đèo dài 10km, giống mô hình điện chiếu sáng khu Bán đảo Sơn Trà), bố trí điện trang trí quanh khu di tích để tạo điểm nhấn, nhằm để lưu giữ khách và phục vụ khách tham quan về đêm; bắt nguồn nước sạch phục vụ du lịch…
Sau khi có quyết định công nhận đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch địa phương của thành phố và được thành phố giao, UBND quận Liên Chiểu sẽ tiến hành các bước tiếp theo như: Lập quy hoạch hoạt động dịch vụ gồm phân chia lô cho các quán theo dạng xã hội hóa, quy định thiết kế xây dựng, quy định khu vực để xe; xây dựng ban công để du khách đứng thưởng ngoạn và ngắm cảnh về thành phố; xây dựng nhà vệ sinh công cộng, bố trí người quản lý thực hiện thu phí nhà vệ sinh và sử dụng chi phí để bảo đảm vệ sinh môi trường và chi trả cho người phục vụ; thiết kế xây dựng phục hồi các lối đi, xây dựng cổng và hàng rào bảo vệ tại địa phận Đà Nẵng (còn phía bên Huế thì dùng hàng rào di động) nhằm đảm bảo công tác quản lý, bán vé tham quan tạo nguồn thu cho ngân sách quận, giải quyết việc làm cho người dân địa phương; thành lập Ban Quản lý di tích Hải Vân Quan được trang bị đồng phục, máy bộ đàm, roi điện, gậy, đèn pin, bàn ghế làm việc, giường ngủ nghỉ; lắp đặt các bảng Điểm du lịch Hải Vân Quan và bảng Nội quy tham quan, bảo vệ môi trường…
Cùng với đó, khai thác cơ sở vật chất hiện có gồm: Nâng cấp nhà Bưu điện làm nơi chiếu phim tư liệu, trưng bày bán sản phẩm nước mắm Nam Ô và các loại hàng lưu niệm khác mang tính đặc thù giới thiệu di tích Hải Vân Quan; nâng cấp trạm VTN (Công ty Viễn thông liên tỉnh) làm nơi làm việc của Ban Quản lý Hải Vân Quan và nơi ngủ nghỉ của lực lượng bảo vệ; phát quang dọn cỏ xung quanh khu di tích; làm sa hình trận đánh Chiến thắng Đồn Nhất đặt cạnh bia di tích để tạo thêm điểm nhấn toàn khu di tích, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống lịch sử đấu tranh của quân và dân Liên Chiểu…
Rất vui mừng và phấn khởi, vào ngày 28/2/2013 UBND thành phố đã ban hành quyết định công nhận đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch địa phương của thành phố. Đồng thời UBND thành phố giao UBND quận Liên Chiểu có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, tu bổ và nâng cấp, bảo vệ cảnh quan môi trường đảm bảo an ninh trật tự tại điểm du lịch. UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng Công an, Biên phòng thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm quản lý điểm du lịch đã được công nhận để bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan; bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn cho du khách; bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của các địa phương vận chuyển khách du lịch.
Nếu điểm du lịch Hải Vân được nâng cấp, chỉnh trang lại thì đây sẽ là một điểm du lịch lý tưởng của vùng Tây Bắc thành phố. Quận Liên Chiểu cần tranh thủ việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các hạng mục để khai thác tạo nguồn thu cho quận, giống mô hình khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Về lâu dài, quận đề xuất thành phố làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế để thống nhất quản lý toàn bộ khu vực đỉnh đèo Hải Vân.
Một số hình ảnh hiện trạng khu di tích Hải Vân Quan:
Toàn cảnh khu di tích Hải Vân Quan
Nhà Bưu điện Hải Vân và trạm VTN (Công ty Viễn thông liên tỉnh) không sử dụng
Cảnh quan bị cỏ che khuất, lối đi lại gạch đá ngổn ngang, gập ghềnh dễ gây tai nạn
Các kiot bán hàng lưu niệm và giải khát
Bia di tích Chiến thắng Đồn Nhất
Phạm Hồng Quang