Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Chuyển tới trang đầy đủ
Quay lại

Đà Nẵng: Đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực văn hoá.

Xác định là đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực văn hoá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, sáng ngày 11-2, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trần Thọ đã có buổi làm việc với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố.

 

Đầu tư cho văn hoá quá thấp
 

Được đánh giá là một trong những đô thị phát triển nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tuy nhiên mức độ đầu tư cho ngành văn hoá của Đà Nẵng lại ở mức rất thấp, đứng thứ 61/63 tỉnh thành. Ông Vũ Hùng, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP cho biết, theo yêu cầu của Trung ương, các địa phương phải dành 1,8% ngân sách chi cho lĩnh vực văn hoá, nhưng Đà Nẵng chỉ chi khoảng 0,9%; năm 2013 chi 18 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hoá trên tổng số 7300 tỷ đồng xây dựng cơ bản, chi thường xuyên chỉ khoảng 153 tỷ/4100 tỷ đồng trong tổng số kinh phí chi thường xuyên của thành phố.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành văn hoá đã có rất nhiều văn bản tham mưu, tuy nhiên chúng chỉ có tính định hướng chứ không có tính định lượng, không có tính khả thi vì phần kinh phí đều phải cắt hết, nếu không cắt thì sẽ bị gạt ra vì không có tiền để thực hiện. Bức xúc nhất của ngành văn hoá hiện nay chính là sự thiếu trầm trọng các thiết chế văn hoá. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng phát triển ồ ạt về cơ sở hạ tầng, nhưng những vị trí đẹp nhất đều dành hết cho phát triển kinh tế, các thiết chế văn hoá dần dần chuyển ra ngoài trung tâm thành phố. Thậm chí, hầu hết các hoạt động văn hoá phải sử dụng thiết chế thể thao, ngành văn hoá hầu như ăn theo thể thao như những hoạt động văn hoá nghệ thuật lớn của thành phố được đưa vào tổ chức tại Cung Thể thao Tiên Sơn, tại các quận huyện, hoạt động văn hoá nghệ thuật cũng được tổ chức tại các sân vận động, các Trung tâm Thể thao quận, huyện. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cũng đưa ra nhận định, trong những năm qua chúng ta đã quá hào phóng cho các doanh nghiệp và tiết kiệm đối với văn hoá. Khu đất dự kiến xây dựng Thư viện Tổng hợp tại Công viên Nam tượng đài cũng bị cắt xén đất để giao cho doanh nghiệp; Thư viện hiện tại không thể gọi là thư viện mà phải gọi là kho sách; Công viên 29-3 quá tải...
 
Nhiều ý kiến cho rằng, tư duy về phát triển văn hoá cũng cần phải được xem lại khi ngày càng nhiều các di tích văn hoá lịch sử bị xâm hại như Thành Điện Hải, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, khu di tích lịch sử K20… Dự án Khu công viên Khuê Trung sau nhiều năm để trống, hiện nay đã "chia năm xẻ bảy" để xây dựng bãi tập sân golf, xây dựng Trường THCS Nguyễn Khuyến, rạp xiếc, Trung tâm xử lý nước thải và phần còn lại giao Thành Đoàn làm công viên Thanh niên. Đến nay, Công viên này vẫn chỉ là chỗ để.. chăn bò.
 
Thay đổi nhận thức từ lãnh đạo cao nhất
 

"Đã đến lúc Đà Nẵng cần phải có quy hoạch tổng thể hơn đối với lĩnh vực văn hoá, đưa ra những quyết sách có tầm nhìn ít nhất từ 15 đến 20 năm bởi sẽ đến một lúc chúng ta sẽ không thể quyết định được gì nữa" – ông Nguyễn Hữu Chiến cảnh báo.
 
Bí thư Thành uỷ Trần Thọ cũng nhận thấy, trong những năm qua thành phố chưa có một công trình văn hoá nào xứng tầm, đã có sự thiếu lắng nghe của lãnh đạo thành phố đối với ý kiến của đơn vị tham mưu, ngược lại, ngành văn hoá cũng đã không kiên trì, thuyết phục, đấu tranh đến cùng để bảo vệ ý kiến của mình. Bí thư cho rằng, chúng ta phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, mà trước hết là nhận thức của Bí thư, Ban Thường vụ, lãnh đạo UBND thành phố, tiếp đó là thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về phát triển văn hoá. Nếu nhận thức chưa đúng và trúng thì dẫn đến cư xử chưa đúng đắn, không xứng tầm. Đầu tư cho văn hoá phải đầu tư về nhân lực cũng như tài chính. Trong những năm qua, thành phố đã cử hàng trăm sinh viên đi đào tạo trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa cử được một người nào để đào tạo về lĩnh vực văn hoá. Cũng có ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, "Chiêu hiền đãi sĩ" không chỉ là mời người tài về làm việc mà còn là lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tìm hướng đi đúng đắn cho sự phát triển.

 


Bí thư Thành uỷ Trần Thọ phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

 

Về đầu tư kinh phí, Bí thư yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, trình bổ sung nguồn vốn đầu tư ngành văn hoá năm 2014 với mức tăng 1,5 lần so với năm 2013. Một số công việc phải làm trước mắt là rà soát thực trạng của khu Công viên Khuê Trung trong tháng 3; nâng cấp Công viên 29-3. Tất cả các quận, huyện rà soát lại các khu vui chơi dành cho trẻ em, vị trí nào phát huy hiệu quả thì giữ lại, nơi nào bỏ hoang, hư hỏng thì chuyển sang đầu tư thành các khu vườn dạo, công viên mini cho người dân trong khu vực. Đầu tư nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành lập Trung tâm Giao lưu văn hoá quốc tế tại Nhà Hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. UBND TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện những bước đầu tiên để triển khai dự án Nhà hát lớn thành phố tại khu Đa Phước với diện tích 5,6ha; đẩy nhanh việc di dời Làng đá mỹ nghệ ra khỏi khu Công viên Ngũ Hành Sơn.

 
Tiếp tục thực hiện chương trình "5 không 3 có", lồng ghép với chương trình "5 xây 3 chống", xây dựng gia đình văn hoá, nếp sống văn hoá tại khu dân cư… Bí thư yêu cầu các địa phương đi vào thực chất, không chạy theo hình thức, quan trọng là sự đánh giá của chính người dân đối với khu phố, thành phố họ đang sống chứ không phải là những con số trong báo cáo.
 
Tại buổi làm việc, Bí thư Trần Thọ kết luận thành phố sẽ đầu tư xây dựng Thư viện Tổng hợp với quy mô lớn, hiện đại ngay tại vị trí hiện nay tại đường Bạch Đằng; yêu cầu Sở VHTT&DL đề xuất một dự án để thành phố đưa vào danh sách công trình trọng điểm trong năm 2015; mỗi quận, huyện cũng sẽ được đầu tư một thiết chế văn hoá bức thiết nhất tại địa phương trong năm 2015. "Chúng ta sẽ không thể thực hiện nhiều việc cùng một lúc, nếu tham việc sẽ dẫn đến lực bất tòng tâm. Chúng ta sẽ nỗ lực làm từng việc, cái gì chưa thể làm được, thế hệ kế cận sẽ tiếp tục nó một cách tốt hơn" – Bí thư Trần Thọ nói.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.